Thị trường carbon được tạo ra bởi các chính sách về khí hậu hoặc mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia/tổ chức bằng hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) hoặc tín chỉ carbon (chuyển quyền phát thải). Một cách khác dễ hiểu hơn, đây là một loại hình thị trường mà loại hàng hóa này được trao đổi, mua bán thông qua lượng khí nhà kính được giảm (phát thải hoặc hấp thụ) trong quá trình hoạt động giữa Bên mua và Bên bán.
Tổng quan về thị trường carbon thế giới
Thị trường carbon bao gồm thị trường carbon bắt buộc (compliance market) và thị trường carbon tự nguyện (voluntary market). Thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật sẽ phải kiểm kê và giảm lượng phát thải KNK và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi, buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải KNK cũng như tín chỉ carbon. Việc giảm phát thải sẽ phải tuân thủ theo các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.
Ngược lại, thị trường carbon tự nguyện hình thành trên nhu cầu tiêu dùng khác nhau của các công ty, tổ chức nằm ngoài quy định giảm phát thải của nhà nước, nó cho phép các công ty và cá nhân muốn bù đắp trực tiếp lượng phát thải KNK của họ mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia. Các dự án tín chỉ carbon được phát triển và đăng ký theo các tiêu chuẩn carbon tự nguyện/độc lập như Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) hay Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) (đây là 02 tiêu chuẩn carbon tự nguyện lớn nhất cả về số lượng dự án và lượng tín chỉ được phát hành) và các tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác.
Cùng với sự chuyển dịch của thị trường carbon quốc tế, các thị trường carbon nội địa và liên kết cũng dần được hình thành dựa trên các chính sách và mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Các thị trường carbon này thường là các thị trường carbon bắt buộc, được tạo thành dựa trên cơ sở hệ thống giao dịch phát thải (ETS), có hoặc không bao gồm cơ chế tín chỉ, bù trừ carbon. Ngày càng có nhiều ETS được phát triển sau sự ra đời của EU-ETS. Hiện trên thế giới có tổng cộng 36 ETS đang vận hành với tỷ lệ phát thải KNK được kiểm soát đạt hơn 17,64% (tương đương 8.91 GtCO2e phát thải), cao hơn gấp ba lần tính từ thời điểm EU-ETS đi vào hoạt động năm 2005 (Hình 2).
Trong khi một số thị trường carbon bắt buộc cho phép sự tham gia với một tỷ lệ
nhất định các tín chỉ từ các cơ chế tín chỉ carbon hợp lệ theo quy định thì thị trường
carbon tự nguyện có thể sử dụng để giao dịch tín chỉ của tất cả các cơ chế tín chỉ
carbon hiện nay, tùy thuộc vào trách nhiệm và yêu cầu giảm phát thải của người mua.
Thị trường carbon tự nguyện được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian
tới, trong khi việc đấu giá carbon ở các thị trường phát triển trên thế giới đã huy động
được khoảng 95 tỷ USD trong năm 2022 thì riêng thị trường tự nguyện dự báo sẽ huy
động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Để giữ cho sự nóng lên toàn cầu
ở mức dưới 2°C, giá carbon cần phải đạt từ 50 USD/tCO2 – 100 USD/tCO2 vào năm
2030 . Tính đến lạm phát, phạm vi giá đó sẽ ở mức 61 – 122 USD vào năm 2030
(Nguồn https://carboncredits.com/6-key-takeaways-from-world-bank-2023- carbon-pricing-report)
Thị trường carbon – Chìa khóa thực hiện mục tiêu Net zero
Khi tham gia thị trường carbon, các bên liên quan sẽ đều thu về các lợi ích. Thị trường carbon với các quy định rõ ràng, cụ thể, công bằng, minh bạch, hoạt động trên cơ chế định giá carbon và nguyên tắc “Thuận mua – vừa bán”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” sẽ giúp các khu vực, quốc gia sớm thực hiện được mục tiêu Net zero. Các quốc gia, chính phủ đạt được lợi ích giảm phát thải, tái cấu trúc nền kinh tế và sớm đạt được mục tiêu trung hòa carbon và hơn nữa là Net zero. Các doanh nghiệp bán hạn ngạch, hay tín chỉ sẽ thu được một khoản lợi nhuận, từ đó tái cấu trúc thêm cho doanh nghiệp và tiếp tục nỗ lực giảm phát thải. Bên mua sẽ có lợi để đảm bảo chấp hành đúng các quy định của khu vực, quốc gia về phân bổ hạn ngạch và thuận lợi trong quá trình tham gia xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường như EU, Mỹ…
Tại Việt Nam, các hoạt động tham gia thị trường carbon quốc tế cũng đã được
nhiều bên liên quan thực hiện thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch
(CDM) từ những năm 2005 và sau này là các dự án được triển khai theo các cơ chế
GS, VCS…. Tính đến cuối năm 2022 đã có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon từ cơ
chế CDM, khoảng 10 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế GS, VCS…Để thực
hiện hiệu quả và huy động các nguồn lực tham gia thị trường carbon, Luật Bảo vệ
Môi trường sửa đổi năm 2020 đã được thông qua, theo đó lần đầu tiên đưa ra quy
định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước (Điều 139). Theo
quy định, Bộ TN&MT được giao thiết lập tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính
(ETS) của Việt Nam và xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các
cơ chế tín chỉ để trao đổi bù trừ carbon. Trong đó, những hành lang pháp lý về thị
trường này đã được thể hiện trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022
về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, nổi bật là quy định chi tiết Điều
91 (giảm phát thải KNK) và Điều 139 (hình thành, phát triển thị trường carbon) của
Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Với các văn bản quy phạm đã được ban hành, đặc
biệt là Nghị định 06/NĐ-CP, có thể thấy thị trường carbon trong nước đã có khung
quy định cơ bản ban đầu.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc thiết kế thị trường carbon trong nước là việc phân bổ hạn ngạch. Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/NĐ-CP, phương pháp phân bổ hạn ngạch được áp dụng cho thị trường carbon trong nước sẽ dựa trên “định mức phát thải khí nhà kính (KNK) trên đơn vị sản phẩm”. Các hạn ngạch phát thải sẽ được phân bổ giảm dần theo thời gian (căn cứ trên tổng hạn ngạch cho từng cơ sở, doanh nghiệp để đảm bảo các cam kết về giảm phát thải Net zero của quốc gia được thực hiện theo lộ trình. Cách thức hoạt động của phương pháp định mức được thể hiện trong ví dụ dưới đây.
* Ghi chú: tCO2e/sp là lượng (tấn) phát thải khí nhà kính quy đổi theo CO2 trên một đơn vị sản phẩm.
01 tCO2e ~ 01 hạn ngạch phát thải khí nhà kính ~ 01 tín chỉ carbon
Giả sử:
+ Giá hạn ngạch phát thải KNK trên thị trường là 100 USD/hạn ngạch
+ Giá tín chỉ carbon trao đổi, bù trừ trên thị trường là 30 USD/tín chỉ
– Doanh nghiệp A đã phát thải thải trên thực tế vượt 5.000 tCO2e so với hạn ngạch phát thải miễn phí được phân bổ. Vì vậy, để tuân thủ quy định thị trường carbon trong nước, doanh nghiệp A có 02 phương án.
Phương án 1: Mua thêm 5.000 hạn ngạch phát thải tương đương 100.000 USD (hoặc thông qua hình thức đấu giá hạn ngạch phát thải theo quy định nhà nước)
Phương án 2: Mua tối đa 4.000 hạn ngạch phát thải và 1.000 tín chỉ carbon trên thị trường. Tổng chi phí phát sinh là 70.000 USD. (theo Điều 19 NĐ 06/2022/NĐ-CP thì lượng tín chỉ carbon bù trừ phát thải không quá 10% hạn ngạch phân bổ)
– Doanh nghiệp B phát thải ít hơn 10.000 tCO2e hạn ngạch phân bổ miễn phí. Lợi nhuận cho quá trình bán lượng hạn ngạch phát thải dư này cho doanh nghiệp A hoặc các cơ sở, doanh nghiệp khác là 200.000 USD hoặc chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải dư thừa để sử dụng trong các giai đoạn cam kết tiếp theo.
Như vậy khi tham gia thị trường carbon, về lâu dài các cơ sở, doanh nghiệp phát thải sẽ phải sử dụng các nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm phát thải từ nguồn lực nội bộ (tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc nâng cấp công nghệ sản xuất sạch hơn…) hay là nghiên cứu những phương án lưu trữ, hấp thụ carbon (trồng cây…). Việc lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, bù trừ phát thải sẽ dựa trên phân tích chi phí lợi ích của các biện pháp và chiến lược của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mối lo, thách thức việc tham gia vào thị trường carbon cũng mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, doanh nghiệp. Cụ thể hơn, các cơ sở, doanh nghiệp vừa có khả năng tạo ra nguồn doanh thu bổ sung từ việc giao dịch hạn ngạch hay tín chỉ carbon, vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường carbon, qua đó, đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia và toàn cầu, góp phần vào thực hiện cam kết mục tiêu Net zero của quốc gia vào năm 2050.
Kiến nghị về xây dựng thị trường carbon
– Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Việc liên thông tới các hệ thống giao dịch này (bao gồm thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện) sẽ giúp quản lý tốt hơn về các mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia, doanh nghiệp và minh bạch trong quá trình chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức, doanh nghiệp.
– Các tín chỉ carbon khi được trao đổi, bù trừ trên thị trường carbon phải đáp ứng được các tiêu chí của quốc gia và phải đảm bảo bằng hoặc cao hơn so với các tiêu chí, phương pháp luận của các hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn carbon uy tín trên thế giới (GS, VCS…). Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp tham gia, đầu tư vào các dự án giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon theo các quy định, tiêu chí của quốc gia hoặc các hệ thống tiêu chuẩn carbon trên thế giới.