Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP đã nhận được rất nhiều ý tưởng về chính sách từ các chuyên gia, nhà làm chính sách quốc tế về kinh tế xanh.
Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng 0 mà TP.HCM nêu ra tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023 ngày 15-9 đã nhận được sự tham gia góp ý của hàng trăm chuyên gia, nhà kinh tế, nhà làm chính sách từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới từng trải qua thời kỳ đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề môi trường, không gian sống. Và bài học cho thấy phát triển bền vững, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu.
Kinh tế xanh là động lực tăng trưởng mới
Nói về những thành quả “thu hoạch” được sau hai ngày hết sức bận rộn của Diễn đàn kinh tế TP.HCM, chiều 15-9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP đã nhận được rất nhiều ý tưởng về chính sách từ các chuyên gia, nhà làm chính sách quốc tế. Đó là những ý tưởng mang tính chiến lược lâu dài, mô hình, hành động cụ thể của từng ngành, từng địa phương.
TP xác định tăng trưởng kinh tế phải gắn liền phát triển bền vững và cần có sự chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ từ quốc gia đi trước, chuyên gia có kinh nghiệm… “Quốc gia nào cũng muốn tăng trưởng gấp hai, gấp ba. Nhưng kết quả tăng trưởng đó phải xanh, phải gắn liền với bền vững. Đó là yêu cầu bắt buộc trước bối cảnh hiện nay”, phó chủ tịch UBND TP khẳng định.
TP cũng cần cơ chế để mỗi cơ quan hiểu được nhu cầu của mình là bao nhiêu, từ đó bù trừ bao nhiêu để phát triển cân bằng, đo lường phát thải carbon, tiến tới net zero. Sau diễn đàn này, TP.HCM sẽ sớm có các chính sách cụ thể hơn về phát triển xanh làm kim chỉ nam để các cấp, các ngành cũng như người dân có thể hành động.
Ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP – đơn vị tham gia xây dựng khung chiến lược, cho hay những năm gần đây kinh tế TP.HCM có xu hướng chậm lại nên cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong đó có kinh tế xanh và kinh tế số.
Tuy vậy, thực tế là biểu giá năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn, tỉ lệ xe điện rất thấp, xe buýt có xu hướng giảm dù được trợ giá.
Ngoài ra, thị trường tiêu dùng xanh còn nhỏ, công nghệ và tính liên kết yếu. Thị trường tái chế chất thải hình thành nhưng vướng giấy phép, tính pháp lý.
Với những ngổn ngang như vậy, ông An cho rằng TP cần đưa nguồn vốn xanh vào chương trình kích cầu để thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Thế giới sẵn sàng chia sẻ mô hình, công nghệ
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cho rằng công nghệ tiên tiến và chính sách rõ ràng sẽ là chìa khóa mở ra tăng trưởng xanh. Ông Jan Jambon, bộ trưởng – thủ hiến chính phủ kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders (Bỉ), cho biết một nước Bỉ trong xanh, yên bình hiện nay cũng từng đối diện với áp lực môi trường.
Vùng Flanders có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và đây vốn là ngành không hề thân thiện môi trường. Tuy vậy, thông qua công nghệ, Bỉ từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác các loại thải ra môi trường và hiện nay góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới…
“Quá trình này không thể thiếu vai trò của chính sách, cơ chế ổn định để cả xã hội cùng có sự đồng thuận”, ông Jan Jambon chia sẻ.
Đem đến diễn đàn nhiều giải pháp tăng trưởng xanh trong mạng lưới của mình, ông Jeremy Jurgens – giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) – cho biết hiện WEF đang áp dụng một số sáng kiến như sáng kiến về thành phố net-zero (net-zero carbon cities) – nơi mà chính phủ và doanh nghiệp hợp tác hướng đến tương lai xanh hơn.
Hay sáng kiến về nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture), giúp nông dân tiếp tục canh tác bền vững, góp phần xanh hóa kinh tế, với những số liệu ấn tượng về lượng phát thải giảm, tiết kiệm nước sạch 5 – 10% trong khi năng suất tăng 10%.
“Mạng lưới này sẽ giúp các quốc gia học tập lẫn nhau để áp dụng công nghệ chuyển đổi một cách có trách nhiệm, đối mặt với những thách thức về kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với TP.HCM để mở rộng mạng lưới, cùng TP bước đi vững chắc trên hành trình xanh hóa”, đại diện WEF khẳng định.
Ông Yasuo Takahashi – nguyên thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, giám đốc điều hành Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) – cho biết ứng dụng công nghệ mới sẽ tách rời được quan hệ tương quan giữa phát thải khí nhà kính và tăng trưởng kinh tế, khiến chúng không còn là hai đường tuyến tính song song.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các bộ ngành trung ương với nhau, từ thương mại, công nghiệp, lâm nghiệp, môi trường và chính quyền địa phương. Nhiều địa phương tại Nhật Bản có mục tiêu cao hơn mục tiêu chung quốc gia về tăng trưởng bền vững và thực tế họ có tốc độ giảm nhanh hơn”, ông ví dụ.
Cơ chế đặc thù cho kinh tế xanh
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, với những góp ý tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023, thấy rằng có đủ cơ sở để hoàn thiện khung chiến lược tốt, từ đó xây dựng khung hành động với mốc thời gian, lĩnh vực cụ thể.
“TP.HCM ý thức rõ rằng mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, TP đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững. TP đang hành động cho những mục tiêu này”, ông Nên khẳng định với các nhà đầu tư.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khuyến nghị trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, TP.HCM cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. TP cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh.
“Để tạo điều kiện thuận lợi, các chủ trương chính sách chung cần sớm được thể chế hóa trong thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương đồng hành với TP.HCM nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế xanh”, ông Nguyễn Đức Hiển cam kết.
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động, TP.HCM là nơi thử nghiệm tốt nhất các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh. TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất, đóng góp một phần năm GDP quốc gia, hơn một phần tư thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, chiếm gần 30% số doanh nghiệp cả nước. Thuận lợi còn ở chỗ TP đã được Quốc hội thông qua nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế đặc thù.
“Có thể nói, TP.HCM là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Bởi dù có mức phát triển nhanh nhưng TP.HCM đang đối mặt với các vấn đề phát thải khí nhà kính lớn nhất, khoảng 57,6 triệu tấn – chiếm 23,3% cả nước” – ông Khái nhìn nhận.